Ứng dụng BIM trong ngành Xây dựng Việt Nam đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan. Với những chính sách mới được ban hành gần đây, cùng các thách thức trong thực tiễn, việc tìm kiếm giải pháp để BIM thực sự phát huy hiệu quả là một vấn đề cấp thiết.
Các diễn giả trong Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.
Ngày 30/11, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Tạp chí Xây dựng đã tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Áp dụng BIM trong xây dựng: Hiện trạng, giải pháp và định hướng chính sách mới”. Đây là sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng hiệu quả mô hình BIM trong ngành Xây dựng, thu hút sự tham gia chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành, nhà quản lý, doanh nghiệp đi đầu trong áp dụng BIM cùng hơn 300 điểm cầu trực tuyến trên cả nước quan tâm, thảo luận...
BIM - Công cụ nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành công trình xây dựng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thái Bình - Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023, phê duyệt Lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng, đánh dấu cột mốc quan trọng thúc đẩy quá trình số hóa và nâng cao hiệu quả quản lý dự án xây dựng.
Song song với đó, Bộ Xây dựng đã và đang nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý liên quan, bao gồm việc sửa đổi, bổ sung hướng dẫn cụ thể về trường hợp áp dụng BIM; cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Trong thực tiễn triển khai, một số bất cập nảy sinh, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và quản lý dự án như: khó khăn trong đấu thầu và nghiệm thu, thiếu nhân lực chất lượng cao về BIM... là những rào cản cần sớm được tháo gỡ.
Ông Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh, Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp hiện thực vá tối ưu hóa tiềm năng áp dụng BIM trong ngành Xây dựng.
ThS Vũ Quyết Thắng - Trưởng phòng Nghiên cứu Chiến lược và Cơ chế quản lý kinh tế ngành (Viện Kinh tế Xây dựng).
Tại Hội thảo, ThS Vũ Quyết Thắng - Trưởng phòng Nghiên cứu Chiến lược và Cơ chế quản lý kinh tế ngành (Viện Kinh tế Xây dựng) nhấn mạnh rằng việc áp dụng BIM trong xây dựng mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đối với các bên như chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu, BIM không chỉ tăng cường trao đổi thông tin hiệu quả mà còn nâng cao chất lượng thiết kế, hỗ trợ tổ chức thi công, quản lý nguồn lực và kiểm soát chất lượng công trình trong quá trình xây dựng.
Trong giai đoạn nghiệm thu và bàn giao, BIM cung cấp nền tảng dữ liệu chính xác, phục vụ công tác quản lý và vận hành công trình. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, BIM là công cụ hỗ trợ thẩm định, cấp phép, kiểm tra nghiệm thu và giám định sự cố công trình nhanh chóng, toàn diện.
Ngoài ra, BIM còn góp phần mô phỏng các tình huống khẩn cấp như cháy nổ, sự cố công trình và hỗ trợ lựa chọn phương án cứu hộ tối ưu, đồng thời đặt nền tảng cho phát triển đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
ThS. Phạm Phú Đức - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế & xây dựng Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) nhận định rằng, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy áp dụng BIM thông qua các quyết định quan trọng. Cụ thể, Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 quy định bắt buộc áp dụng BIM đối với các công trình cấp II trở lên thuộc dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, vốn đầu tư công và theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Ngoài ra, Quyết định số 347/QĐ-BXD và 348/QĐ-BXD ngày 02/4/2021 đã hướng dẫn chi tiết việc áp dụng BIM cho các công trình dân dụng và hạ tầng kỹ thuật đô thị, với trọng tâm là tiêu chuẩn hóa quy trình và các bước triển khai cụ thể. Những định hướng này không chỉ thể hiện sự quan tâm lớn đối với BIM như một công cụ chiến lược trong ngành Xây dựng, mà còn tạo động lực để các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, tối ưu hóa quy trình và nâng cao năng lực nhân sự nhằm đáp ứng yêu cầu mới.
“Đào tạo và chứng nhận BIM: Chìa khóa để chuẩn hóa nhân lực ngành Xây dựng"
Nhân lực là yếu tố cốt lõi trong việc triển khai BIM, tuy nhiên Việt Nam hiện đang đối mặt với một số thách thức, theo KS Đỗ Thế Anh - Trưởng Phòng BIM - CNTT, Công ty CP Đầu tư xây dựng Xuân Mai , chưa có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn và phân cấp chứng nhận BIM, dẫn đến khó khăn trong đánh giá năng lực của cá nhân và tổ chức. Nguồn nhân lực thiếu kỹ năng chuyên sâu, đặc biệt ở các vị trí như điều phối viên BIM và chuyên gia mô hình hóa.
KS. Đỗ Thế Anh cho rằng cần đào tạo bài bản, tổ chức các khóa học chuyên sâu dành riêng cho nhà thầu, tư vấn và chủ đầu tư. Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về chứng nhận BIM, giúp minh bạch hóa năng lực trong đấu thầu. Ngoài ra, Chính phủ nên cung cấp ưu đãi thuế hoặc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo nhân lực.
BIM: Chìa khóa để chuẩn hóa nhân lực ngành Xây dựng. Nguồn: ITN
Về vấn đề đào tạo nhân lực và cấp chứng chỉ BIM tại Việt Nam, ThS Phạm Ngọc Bảy - Viện nghiên cứu và Phát triển BIM TP.HCM đã chỉ ra những tiến bộ cũng như thách thức trong công tác đào tạo và cấp chứng chỉ BIM tại Việt Nam.
Hiện nay, một số trường đại học kỹ thuật lớn như Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Kiến trúc TP.HCM và Đại học GTVT đã tích hợp BIM vào chương trình giảng dạy, mang lại những bước tiến quan trọng trong việc chuẩn bị nhân lực. Tuy nhiên, theo ThS Phạm Ngọc Bảy, việc triển khai này vẫn chưa đồng bộ và đối mặt với một số hạn chế.
Cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều trường đại học vẫn thiếu các trang thiết bị và phần mềm chuyên dụng để hỗ trợ sinh viên thực hành BIM. Điều này gây khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo.
Chưa công bằng trong cấp chứng chỉ BIM, các quy trình và tiêu chuẩn cấp chứng chỉ BIM hiện nay chưa được thống nhất, dẫn đến những bất cập trong việc đánh giá và công nhận năng lực.
Để phát triển dài hạn và nâng cao chất lượng đào tạo, ThS Phạm Ngọc Bảy khuyến nghị BIM nên trở thành một môn học bắt buộc tại tất cả các trường đào tạo kỹ thuật. Đồng thời, cần tích hợp các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào chương trình giảng dạy BIM nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng cao, đáp ứng yêu cầu của ngành Xây dựng trong thời đại số hóa.
Thách thức trong đấu thầu và nghiệm thu BIM: Vấn đề và giải pháp
Việc triển khai BIM tại các dự án xây dựng vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong giai đoạn đấu thầu và nghiệm thu. Một số vấn đề nổi bật đã được các chuyên gia như ThS. Phạm Phú Đức - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế & xây dựng Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) và ThS Trần Văn Tâm - Giám đốc Công ty CP IDECO Việt Nam chỉ ra như: Nhiều nhà thầu chưa cung cấp đầy đủ BEP (BIM Execution Plan) hoặc mô hình BIM đạt chuẩn ngay từ giai đoạn thiết kế, dẫn đến khó khăn cho việc triển khai các giai đoạn tiếp theo.
Các tiêu chí đánh giá năng lực BIM trong đấu thầu đôi khi thiếu minh bạch hoặc không thực sự phản ánh đúng khả năng của các đơn vị tham gia, làm giảm tính cạnh tranh lành mạnh.
Quy trình thẩm định và nghiệm thu dựa trên mô hình BIM chưa được chuẩn hóa, gây khó khăn trong việc kiểm tra và phát hiện sai sót, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Ứng dụng BIM mang lại những lợi ích to lớn cho ngành Xây dựng. Nguồn: ITN
Với những bất cập trên, cần có những giải pháp cụ thể như thiết lập một bộ tiêu chuẩn cụ thể về yêu cầu hồ sơ BIM trong đấu thầu để đảm bảo tính đồng nhất và rõ ràng. Quy định sử dụng mô hình BIM làm cơ sở chính thức để nghiệm thu, thay thế dần việc phụ thuộc vào hồ sơ giấy truyền thống.
Đồng thời, tăng cường giám sát qua CDE (Common Data Environment), ông Sagar Thorat - Giám đốc kỹ thuật khu vực ASEAN của Autodesk nhận định, CDE là một giải pháp quan trọng để giải quyết những bất cập trong quá trình đấu thầu và nghiệm thu dự án áp dụng BIM. Theo ông, việc khuyến khích sử dụng môi trường dữ liệu chung (CDE) là chìa khóa để minh bạch hóa thông tin dự án.
Lợi ích của CDE trong quản lý dự án BIM sẽ tạo ra sự minh bạch thông tin, CDE tạo ra một nền tảng duy nhất cho tất cả các bên liên quan, đảm bảo mọi dữ liệu và tài liệu dự án được lưu trữ, chia sẻ, và cập nhật theo thời gian thực. Với hệ thống quản lý tập trung, CDE giúp giảm thiểu các lỗi phát sinh do thông tin không nhất quán hoặc không được truyền tải kịp thời.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả làm việc trong quy trình đấu thầu và nghiệm thu, cho phép giám sát dự án xuyên suốt, từ giai đoạn thiết kế đến thi công và hoàn thiện, đảm bảo các tiêu chuẩn được tuân thủ một cách nghiêm ngặt.
Việc áp dụng CDE không chỉ giúp khắc phục những bất cập hiện tại mà còn nâng cao hiệu quả và tính bền vững của các dự án xây dựng trong tương lai. Đây là bước tiến quan trọng để ngành Xây dựng Việt Nam theo kịp các xu hướng công nghệ toàn cầu.
Chương trình Hội thảo đã cung cấp nhiều đề xuất chính sách mới về BIM, đồng thời giới thiệu các giải pháp thực tiễn nhằm giải quyết những thách thức trong quá trình triển khai tại Việt Nam. Những nội dung này không chỉ giúp nâng cao nhận thức mà còn mở ra cơ hội lớn để ngành Xây dựng Việt Nam phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Những giải pháp này sẽ là chìa khóa giúp ngành Xây dựng Việt Nam không chỉ giải quyết các vấn đề nội tại mà còn tiến gần hơn đến tiêu chuẩn quốc tế, góp phần tạo nên giá trị bền vững và hiệu quả trong các dự án xây dựng.
Nguồn: Internet