(Xây dựng) – Đây là chủ đề của buổi tọa đàm do UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Bộ Xây dựng và Công ty Cổ phần Green i-Park tổ chức tại Khu công nghiệp (KCN) Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình ngày 17/12.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: “Tọa đàm về phát triển nhà ở xã hội cho người lao động trong KCN có tính thời sự, rất kịp thời và có ý nghĩa quan trọng”.
Ông Lại Tuấn Ngọc, Trưởng phòng Quản lý Đầu tư - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai phát biểu trong khuôn khổ tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Bùi Thế Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park (chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Liên Hà Thái) cho biết: Đây là sự kiện quan trọng không chỉ đối với Công ty Cổ phần Green i-Park mà còn đối với sự phát triển bền vững của các KCN, đời sống của người lao động trên cả nước nói chung và của tỉnh Thái Bình nói riêng.
Các KCN không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là nơi hàng triệu người lao động đặt niềm tin vào cuộc sống tương lai. Tuy nhiên, vấn đề nhà ở xã hội cho người lao động trong KCN vẫn là bài toán khó. Việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở an toàn, tiện nghi và phù hợp với khả năng tài chính của người lao động không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.
Các chuyên gia cùng bàn luận làm rõ những cơ chế, chính sách, quy định về đầu tư nhà ở xã hội cho người lao động trong KCN.
Hưởng ứng đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030” (Đề án) của Chính phủ, Công ty Cổ phần Green i-Park xác định đây là một định hướng lớn và là nhiệm vụ trọng điểm của công ty. Tại KCN Liên Hà Thái, chỉ tính riêng các dự án đã cấp phép, khi đi vào hoạt động ổn định, nhu cầu lao động sẽ lên tới khoảng 40.000 người. Nếu KCN được lấp đầy, nhu cầu lao động có thể lên tới từ 70.000 đến 80.000 người. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, để tạo điều kiện ổn định cuộc sống và giữ chân người lao động lâu dài.
Bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng: Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2030 hoàn thành 6.000 căn trong đó giai đoạn 2022-2025 là 2.300 căn, giai đoạn 2026-2030 là 3.700 căn. Thời gian qua, tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định.
“Tôi mong muốn sau buổi tọa đàm này sẽ là những hành động cụ thể của chính quyền địa phương, các nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan để sớm triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong KCN trong thời gian tới. Bộ Xây dựng sẽ đồng hành cùng với địa phương, doanh nghiệp trong việc hướng dẫn, phổ biến chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện trên thực tế”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Thái Bình cũng quy hoạch và phát triển một số KCN mới trong thời gian tới nên nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân gia tăng và cấp thiết. Hiện tỉnh đã quy hoạch 60 vị trí phát triển nhà ở xã hội với tổng diện tích khoảng 136ha, trong đó có 6 vị trí quy hoạch nhà ở xã hội độc lập cho công nhân trong KCN.
Tỉnh đã ban hành Đề án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 để nghiên cứu đánh giá, xác định các vị trí, đưa ra giải pháp phù hợp thúc đẩy thu hút đầu tư, phấn đấu đến năm 2030 Thái Bình xây dựng khoảng 22.000 căn nhà ở xã hội, trong đó có khoảng 12.000 căn dành cho công nhân lao động.
Bên cạnh các cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở năm 2023, Thái Bình cũng có nhiều cơ chế hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ toàn bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất dự án nhà ở xã hội, hỗ trợ chi phí san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tích cực tìm kiếm các giải pháp từ quy hoạch, thiết kế tới ứng dụng công nghệ xây dựng, vật liệu mới... nhằm giảm giá thành nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình cho biết: Thái Bình đang có 7 KCN và 35 cụm công nghiệp thu hút gần 120.000 lao động, trong đó công nhân làm việc tại các KCN khoảng 63.700 người. Do vậy, tọa đàm về phát triển nhà ở xã hội cho người lao động trong KCN có tính thời sự, rất kịp thời và có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy thu hút nguồn lực đầu tư để đạt được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội của địa phương.
Tọa đàm diễn ra với 2 chuyên đề, Chuyên đề 1: Chính sách phát triển nhà ở xã hội cho người lao động trong KCN, Chuyên đề 2: Thực tiễn phát triển nhà ở xã hội: Kinh nghiệm và giải pháp.
Các đại biểu đã nghe một số chuyên gia đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư bàn luận làm rõ những quy định của pháp luật về đất đai, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, chính sách phát triển nhà ở xã hội cho người lao động trong KCN.
Phân tích, đánh giá tình hình thực tiễn phát triển nhà ở xã hội hiện nay, những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh nhà ở xã hội cho công nhân và đề xuất giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021 – 2030.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Phát biểu bế mạc tọa đàm, ông Nguyễn Minh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Green i-Park mong muốn xây dựng những khu nhà ở xã hội chất lượng không chỉ là nơi để ở mà còn là nơi đáng sống đồng thời giảm thiểu tối đa giá thành sản phẩm. Sau tọa đàm này, Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng Thái Bình, các Sở, ban, ngành liên quan sẽ cùng Green i-Park sẽ tìm ra "công thức" tối ưu để hiện thực hóa chính sách xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động trong các KCN.
Nguồn: Internet